HỘI THẢO
KỶ NIỆM 300 NĂM IMMANUEL KANT VÀ THỜI ĐẠI KHAI SÁNG
CON NGƯỜI, ẢNH HƯỞNG VÀ DI SẢN

Ngày 19 tháng 07 năm 2024
Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam


Immanuel Kant
Kỷ niệm 300 năm
1724 – 2024

“Sapere aude!” – “Hãy dám biết!”
Horace, 65 – 8 TCN

“Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Vị thành niên là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do tự mình gây ra, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình! đó là câu phương châm của Khai sáng.”
I. Kant, Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?, 1784

Thời đại Khai sáng (The Age of Enlightenment), kéo dài từ thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử nhân loại, không chỉ tạo ra bước tiến lớn trong tư tưởng và học thuật ở nhiều lĩnh vực mà còn ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nhiều quốc gia Âu Mỹ. Đây là giai đoạn mà các nhà tư tưởng châu Âu nỗ lực giải phóng con người khỏi sự áp đặt của thần quyền và chế độ phong kiến, đồng thời thúc đẩy tự do tư tưởng và hiểu biết khoa học. Tư tưởng Khai sáng đề cao lý tính, tinh thần tự do và sự tiến bộ của xã hội thông qua tri thức và giáo dục. Những nhà Khai sáng tiêu biểu như J. Locke, Montesquieu, Voltaire, J.J. Rousseau, D. Diderot, A. Smith, và I. Kant, đã tạo ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức thế giới, đặt nền móng tư tưởng có tầm ảnh hưởng sâu rộng định hình sự phát triển của nhân loại đến ngày nay.

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc ý nghĩa trong lịch sử triết học và văn hóa nhân loại: kỷ niệm 300 năm sinh của Immanuel Kant, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Thời đại Khai sáng. Kant là người mở đường của trường phái triết học cổ điển Đức. Ông là người tạo ra “bước ngoặt Copernic” của triết học, làm thay đổi căn bản quan niệm của chúng ta về nhận thức khi trở thành người đầu tiên phá vỡ những quan điểm siêu hình trước đó, đồng thời kết thúc cuộc tranh cãi trong “đấu trường siêu hình học” thời bấy giờ. Kant đã khắc phục được tính phiến diện về nguồn gốc, cách thức đạt được tri thức khoa học tồn tại trong nhiều thế kỷ bằng luận điểm nổi tiếng: “Những tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng, những trực quan không có khái niệm là mù quáng”. Với việc khởi xướng “phép biện chứng tiên nghiệm” và chỉ ra các nghịch lý của lý tính thuần túy, Kant đã mở ra con đường phát triển mới cho quan niệm biện chứng về tư duy và nhận thức, đặt cơ sở cho các hệ thống biện chứng của Fichte, Schelling, Hegel và biện chứng duy vật của Marx. Phép biện chứng tiên nghiệm của Kant thật sự là một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

Với mục đích nhìn lại và tôn vinh những di sản to lớn của Kant cũng như Thời đại Khai sáng nói chung, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 300 năm Immanuel Kant và Thời đại Khai sáng: Con người, Ảnh hưởng và Di sản. Hội thảo là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu, người yêu triết học, và người quan tâm đến sự phát triển của xã hội nói chung trao đổi và tìm hiểu sâu hơn về Thời đại Khai sáng, và đặc biệt về cuộc đời, tư tưởng và tầm ảnh hưởng của Kant đối với sự phát triển của nhân loại. Bên cạnh việc tôn vinh những di sản Khai sáng, hội thảo còn là dịp để chúng ta nhìn lại những ảnh hưởng của chúng trong bối cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể, cũng như rút ra những hàm ý cho những vấn đề mà chúng ta đang phải đối diện trong thế kỷ 21.

Hội thảo này bao gồm hai phần. Phần 1 – Thời đại Khai sáng trong lịch sử văn minh phương Tây – gồm các bài trình bày nhìn lại một cách khái quát về Thời đại Khai sáng và ý nghĩa của nó trong tiến trình phát triển của văn minh phương Tây. Phần 2 là tọa đàm về I. Kant và ‘Cuộc cách mạng Copernic’ trong triết học – thảo luận về những di sản tư tưởng của ông và ảnh hưởng của chúng cho đến ngày nay.

Như Kant đã từng nhắc đến khẩu hiệu như là tinh thần cốt lõi của Khai sáng: “Hãy dám biết!” (“Sapere aude!”), hội thảo này chính là hiện thực hóa tinh thần đó, mời gọi mỗi người chúng ta tiếp tục dấn thân trên con đường tri thức và lý trí. Hy vọng rằng qua hội thảo này, mỗi người sẽ có những chiêm nghiệm thú vị, tìm thấy những cảm hứng mới, những suy nghĩ sâu sắc hơn, và tiếp tục cuộc hành trình tự khai sáng của mình phía trước.

THÔNG TIN CHÍNH

Thời gian và Địa điểm

  • Thời gian: 13:00 - 17:30, Thứ 6, 19/07/2024
  • Địa điểm: Trường Đại học Văn Lang (69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh)

Diễn giả & Khách mời danh dự

  • GS. Thái Kim Lan
  • Nhà NC Tôn Thất Thông
  • TS. Nguyễn Xuân Xanh
  • Nhà NC Bùi Văn Nam Sơn
  • PGS. TS. Trần Hữu Quang
  • TS. Trương Trọng Hiếu
  • TS. Đỗ Kiên Trung
  • TS. Giáp Văn Dương

Chương trình

  • Đón khách

    12:45 - 13:15
  • Phát biểu khai mạc

    13:15 - 13:20
  • Phần 1
    THỜI ĐẠI KHAI SÁNG TRONG LỊCH SỬ VĂN MINH PHƯƠNG TÂY

  • Tổng quan về Thời đại Khai sáng

    13:20 - 14:00
    Nhà NC. Tôn Thất Thông
  • Kỷ niệm 300 năm Immanuel Kant: Thời đại phê phán và khai sáng

    14:00 - 14:40
    TS. Nguyễn Xuân Xanh
  • Giải lao

    14:40 – 14:55
  • Khai minh và Lý tính lịch sử

    14:55 – 15:25
    TS. Trương Trọng Hiếu
  • Kỷ nguyên Khai sáng và Mô hình lý tính cho hiện thực

    15:25 – 15:55
    TS. Đỗ Kiên Trung
  • Hỏi & Đáp

    15:55 – 16:10
  • Phần 2
    I. KANT VÀ ‘CUỘC CÁCH MẠNG COPERNIC’ TRONG TRIẾT HỌC

  • Đề dẫn về Immanuel Kant

    16:10 – 16:20
    GS. Thái Kim Lan
  • Tọa đàm

    16:20 – 17:30
  • Phát biểu tổng kết

    17:30 – 17:35

Đăng ký

Quý anh chị quan tâm muốn tham dự hội thảo vui lòng đăng ký qua đường link này. Để biết thêm thông tin, anh chị vui lòng liên hệ Ban tổ chức qua email kant300@vlu.edu.vn.

Ban tổ chức

  • GS. Nguyễn Minh Thọ, Viện Khoa học Tính toán & Trí tuệ nhân tạo
  • ThS. Lê Thu Hằng, Khoa Khoa học cơ bản
  • ThS. Nguyễn Chí Hiếu, Văn phòng Ban Giám hiệu